Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

Những bông hoa Tulip



Thị trường đầu cơ sinh ra trong sự ảm đạm, lớn lên bằng sự hoài nghi, phát triển nhờ sự lạc quan và chết bởi sự thỏa mãn – Sir John Templeton

Thông tin hỗ trợ từ cuộc họp chính phủ chiều qua đã đem đến sự hưng phấn nhất định cho nhà đầu tư. Điểm tăng mạnh, HNX vượt đỉnh cũ, Vol tăng, độ rộng thị trường lớn với nhiều mã tăng trần. Dòng tiền luân chuyển một phần sang HNX. Nhóm khoáng sản bị bán mạnh và tiền lại chảy vào dòng chứng khoán. Từ các ngành nghề đang kêu cứu, hàng tồn kho cao như nhóm cổ phiếu Xi măng, vận tải biển, cho đến các công ty bị cảnh báo, kiểm soát đặc biệt, doanh thu quý 1/2012 bằng 0, còn tăng trần cả chục phiên bất chấp kết quả kinh doanh thế nào, thì đủ nói lên rằng thị trường đang trong giai đoạn tham lam. Giờ cứ có tiền cộng với sự liều lĩnh, đẩy giá lên là thắng.



Những giai đoạn trước, đội lái muốn thổi giá, bao giờ cũng phải lựa chọn một doanh nghiệp làm ăn tốt, có thông tin hỗ trợ nhiều để dẫn dụ nhà đầu tư. Năm 2010, cổ phiếu PVA với mức tăng 1000% kể từ đáy trước đó, Năm 2007, nhóm cổ phiếu dòng Sông Đà với ưu thế về vốn nhỏ, kết quả kinh doanh tốt, sở hữu nhiều dự án BĐS cũng tạo nên những con sóng thần. Nhưng bước sang năm 2012 này, có cảm giác không cần thông tin hỗ trợ, không cần tới Doanh nghiệp làm ăn ra sao, DN càng kêu cứu nhiều, càng cảnh báo lắm, sức mua càng tăng mạnh. TTCK Việt Nam đúng là thị trường kỳ lạ nhất trên thế giới.


Nếu theo mô hình tích lũy và củng cố xu thế, thì phiên hôm nay là một phiên tăng mạnh với White Candlestick được hình thành, nếu phiên thứ 2 tới thị trường tiếp tục giữ được đà tăng điểm, thì mô hình có thể được hình thành muộn hơn dự đoán sau 1-2 phiên. Ngược lại, nếu không giữ được đà tăng, thị trường rớt trở lại thì việc đầu tư an toàn và duy trì tỷ lệ cổ phiếu ở mức hợp lý vẫn cần được cân nhắc chú ý. Đây là giai đoạn rất khó dự đoán được hướng đi tiếp theo của thị trường, tâm lý nhà đầu tư luôn thay đổi từ thái cực này sang thái cực khác, tốt và xấu đan xen nhau, bởi vậy, nhiều khi dự đoán của chúng tôi cũng phụ thuộc rất lớn vào diễn biến của thị trường, những gì đang diễn ra. Dự báo tương lai vẫn là một công việc khó khăn, nhất là ở thị trường Việt Nam.


SSI: Tâm điểm thị trường vẫn nằm ở SSI, giá đóng cửa cũng gần sát với giá cao nhất trong phiên, SSI hôm nay có một bước tiến ngoài dự đoán khi trụ vững quanh mốc 22.4, mức cao nhất kể từ đầu năm tính theo giá đóng cửa. Với đà tăng hôm nay, các chỉ báo ngắn hạn lại bắt đầu vượt lên trên, đường RSI lại hướng tới mốc 70 và Stochastic cho tín hiệu mua. Dải Bollinger band tiếp tục mở rộng và giá lại hướng về phía Upper. Trong bản tin hôm qua, chúng tôi điều chỉnh dự báo SSI sẽ chinh phục lại mốc 23.5 trong ngắn hạn, nếu trong tuần tới, SSI vượt hẳn khỏi mức này từ 2-3 phiên, thì chúng tôi sẽ cân nhắc nâng dự báo giá SSI trong thời gian tới.

KMR: Thông tin về việc cổ phiếu KMR sẽ là cổ phiếu nóng tiếp theo thay thế cho KSA KSS đang thu hút sự chú ý của nhà đầu tư. Về cơ bản, KMR cũng giống như các cổ phiếu được đội lái lựa chọn. Ngành nghề không hấp dẫn, kết quả kinh doanh yếu kém, nhưng đà tăng hơn 200% trong thời gian qua mang màu sắc của “ bông hoa tulip”. Dùng phân tích cơ bản lẫn kỹ thuật lúc này với KMR là vô ích, các chỉ báo đều đang ở mức quá mua. Đưa ra dự báo với cổ phiếu loại này là hết sức khó khăn, và vô ích.

----------------------------------------------


Khủng hoảng Hoa Tu-líp
Thời gian: 1634-1637
Địa điểm: Hà Lan

Thị trường sụt từ đỉnh xuống đáy - nói như thế bởi khó có thể dùng một thước đo nào để xác định chính xác mức đỉnh và mức đáy, tuy nhiên lịch sử ghi lại rằng ở mức đỉnh, người ta có thể đổi một bông hoa tu-líp lấy một căn nhà, nhưng khi ở đáy, giá một bông hoa chỉ bằng một củ hành.
Hiện tượng đó diễn ra như thế nào?

Năm 1593, hoa tu-líp được mang từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hà Lan. Đặc trưng mới lạ của loài hoa này làm rất nhiều người tìm kiếm để mua, do đó giá cũng đắt dần lên. Một thời gian sau, hoa tu-líp mắc phải một loại virus không gây hại có tên là thể khảm, loại virus này không gây hại đến loài hoa mà tác động làm cho màu sắc trên những cánh hoa có ánh hồng tía. Sự biến đổi màu sắc này làm cho loài hoa tu-líp vốn đã khó tìm càng trở lên khan hiếm. Khi đó, giá hoa vốn cũng đã cao giờ càng cao hơn tùy thuộc mức độ tác động của loại virus. Người ta bắt đầu giao dịch với nhau bằng bộ củ hoa, bắt đầu hình thành hiện tượng đầu cơ trên thị trường, khi đó ai cũng nghĩ rằng giá sẽ tằng không giới hạn.
Những người có nhu cầu mua củ cây thực (những người trồng hoa) bắt đầu mua về và dự trữ củ tu-líp trong kho cho mùa hoa sau. Việc này càng làm giảm cung và tăng cầu cũng như tính khan hiếm. Ngay sau đó, giá củ tu-líp tăng rất nhanh và rất cao, người ta dùng đất, tiền tiết kiệm và bất cứ tài sản nào khác có thể chuyển thành tiền mặt để mua củ hoa tu-líp. Nhiều người Hà Lan khi đó quả quyết rằng họ sẽ có thể bán được lượng củ mà họ đã thu mua về cho những người ngoại quốc ít thông tin và kém may mắn, qua đó có thể mang lại lượng lợi nhuận khổng lồ. Giá tu-líp khi đó đã tăng gấp 20 lần sau chỉ một tháng.

Quả bong bóng phình ra to nhất vào giai đoạn 1936-1937. Lái buôn Tu-líp là những người kiếm lời nhanh chóng và đơn giản nhất. Một lái buôn thạo tay có thể kiếm 60.000 florin (tiền Hà Lan) trong một tháng - tương đương xấp xỉ 61,710 đô la Mỹ. Với lợi nhuận khổng lồ như thế, chính quyền hoàn toàn bất lực và không thể ngăn chặn được hoạt động giao dịch náo nhiệt. Ai cũng thấy giá không phản ánh được giá trị thực mỗi củ tu-líp. Hiện tượng bong bóng bắt đầu xuất hiện trên nhiều thị trường nơi có hoạt động đầu cơ tu-líp, những người cẩn trọng nhất đã bắt đầu tính đến việc bán và cầm chắc lợi nhuận cho mình. Hậu quả của việc này là một hiệu ứng domino khủng khiếp với mức giảm nhanh chóng mặt trong điều kiện tất cả đều bán nhưng rất ít người mua. Giá giảm trầm trọng càng làm con người ta hoảng loạn và bán bất kể lỗ bao nhiêu.

Nhiều giao dịch bị phá vỡ, người ta bắt đầu hiểu ra rằng họ đã dùng nhà của mỉnh để đổi lấy một mẩu cây cỏ. Hoang mang và hỗn loạn là tình cảnh chung diễn ra trên đất nước Hà Lan. Chính phủ cố gắng tiếp cận nhằm hạn chế và làm chậm lại hiện tượng đó bằng cách đề nghị thực hiện những giao dịch đang bị từ chối thực hiện tại mức 10% mệnh giá. Tuy nhiên kết quả là thị trường càng xấu hơn, những biện pháp trở lên vô nghĩa. Ngay cả những người đã thoát ra và cất giữ được lợi nhuận cho riêng mình cũng chịu tác động từ đợt suy thoái kinh tế diễn ra sau đó
Tác động của cuộc khủng hoảng Tu-líp làm cho Hà Lan tiến hành cấm toàn bộ các hoạt động đầu cơ trong đầu tư suốt một thời gian dài

0 nhận xét:

Đăng nhận xét