Hà Nội, ngày 10/06/2023 ( bài viết của bạn Dũng, nhóm nghiên cứu LCTV )
Năm 2022 vừa qua có lẽ là năm đáng nhớ nhất trong cả thập kỷ trở lại đây đối với các chứng sĩ, cả những người cầm cổ hay những người may mắn cầm tiền trong cả giai đoạn khốc liệt của pha downtrend.
Diễn biến những tháng đầu năm 2023 cũng khiến nhiều cao thủ hồi tưởng về giai đoạn “đổ nát” của thị trường những năm 2013-2015, khi mà VNIndex cũng như nền kinh tế trải qua liên tiếp những “cơn sóng dữ” như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, đổ vỡ thị trường BĐS lan ra toàn hệ thống ngân hàng, tài chính, …
Nhưng cũng chính ở đó, trong điều kiện vĩ mô còn đối mặt với nhiều khó khăn thách thức cần giải quyết, không ít những “chồi non” lại vươn lên mạnh mẽ và trở thành những “đầu tàu” cưỡi đại sóng ở thời điểm hiện tại. Việc của những nhà đầu tư như chúng ta là tìm ra những “chồi non” trong đống đổ nát.
Thời điểm đó, ngay trong bối cảnh toàn bộ thị trường bất động sản đóng băng, hệ thống ngân hàng còn phải đối mặt với cả núi nợ xấu cần phải giải quyết, các doanh nghiệp kiệt quệ sau cơn bão lãi suất cho vay từng lên tới trên 30%/năm,… vẫn còn đó những doanh nghiệp với nội tại vững chắc, với nền tảng tài chính lành mạnh cùng sự định hướng đúng đắn trong đầu tư phát triển của ban lãnh đạo, đã vươn mình đột phá và giúp cổ đông gặt hái đầy “trái ngọt” chỉ sau vài năm kiên trì nắm giữ.
CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) – câu chuyện thần kỳ của Ông Vua Thép Câu chuyện bắt đầu từ ngày 20/07/2016, trải qua 6 tháng đầu năm 2016, thép Hòa Phát đạt sản lượng bán hàng 785.000 tấn (1/5 so với năm 2022), chiếm hơn 20% thị phần thép xây dựng toàn quốc khi ấy.
Trước đó, nhà máy cán thép số 4 thuộc Khu liên hợp gang thép Hòa Phát tại Hải Dương chính thức được đưa vào chạy thử mẻ thép đầu tiên, hoàn thành đúng tiến độ đề ra và góp phần giúp tăng 50% năng lực sản xuất cho công ty, lên khoảng 2 triệu tấn/năm. Lúc này, đã có những thông tin về việc ban lãnh đạo HPG tiếp tục có kế hoạch đầu tư xây mới nhà máy để tăng công suất hoạt động.
Nửa năm sau, ngày 17/02/2017, HĐQT HPG đã họp và thông qua việc đầu tư thực hiện dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 1 tại Khu Kinh tế Dung Quất – tỉnh Quảng Ngãi. Đây là khu liên hợp gang thép thứ 2 của HPG sau khu liên hợp tại Hải Dương và được xây dựng với mục tiêu nâng thêm gấp 3 công suất sản xuất lúc đó (thêm 4 triệu tấn/năm thép các loại) và chia đều thành 2 giai đoạn.
Đáng chú ý, với sự tích lũy và tăng trưởng đều đặn qua nhiều năm, Hòa Phát cũng có thể thu xếp cho mình khoảng 10.000 tỷ đồng vốn tự có để đối ứng dự án cùng với sự giúp sức từ vốn tín dụng và phát hành thêm từ cổ đông để hoàn thành dự án đúng kế hoạch trọng năm 2019 và 2020.
Quá trình đầu tư được thể hiện rõ trong phần TSCĐ của Hòa Phát qua các năm, với mức tăng đột biến hơn 5 lần từ 12.700 tỷ đồng lên 65.500 tỷ đồng trong giai đoạn 2016-2020 (tương ứng với khoảng 52.000 tỷ đồng tổng vốn đầu tư 2 giai đoạn của khu gang thép Dung Quất 1). Đi kèm với đó là mức tăng gần 3 lần của doanh thu từ 33.900 tỷ đồng lên 91.000 tỷ đồng trong giai đoạn này, trước khi đạt mức doanh thu đỉnh cao mọi thời đại 151.000 tỷ đồng năm 2021 (gần gấp 5 lần năm 2016).
Diễn biến giá cổ phiếu HPG cùng các chỉ số kinh doanh trong giai đoạn 2015-2021
Tất nhiên, tương ứng với mức tăng trưởng này thì trong năm 2018, giá cổ phiếu HPG cũng tăng miệt mài trong gấp hơn 5 lần từ nền giá 2016 trước khi tăng tiếp gần 3 lần tới mức đỉnh cuối năm 2021 vừa qua.
EPS và sự “pha loãng” cổ phiếu HPG 2 giai đoạn 2015-2017 và 2019-2021
Bên cạnh đó, nhìn biểu đồ trên ta có thể thấy HPG có mức tăng trưởng EPS khá ấn tượng trong mỗi giai đoạn đưa từng phần nhà máy mới vào hoạt động. Cụ thể là từ năm 2014, HPG đã đồng bộ sản xuất 2 giai đoạn nhà máy Hòa Phát Hải Dương và từ năm 2019 – 2020, 2 giai đoạn của Hòa Phát Dung Quất lần lượt đi vào hoạt động giúp sản lượng của công ty tăng mạnh cùng lợi nhuận đi kèm.
Do đó vẫn duy trì được mức tăng trưởng của EPS đồng thời đảm bảo cho HPG có thể đều đặn chi trả cổ tức ở mức 30%-40% bằng cổ phiếu và 5% tiền mặt cho cổ đông trong nhiều năm liền. Thêm nữa, đại dự án Dung Quất 2 đang được triển khai kỳ vọng sẽ đóng góp thêm công suất khoảng 5,6 triệu tấn/năm dự tính sẽ đi vào hoạt động từ quý I/2025. Tổng công suất của hai dự án này tại Khu kinh tế Dung Quất sẽ là 11,6 triệu tấn/năm. Vậy có lẽ câu chuyện về sự tăng trưởng thần kỳ HPG vẫn đang được viết tiếp …!!!
Công ty Cổ phần CMC (CVT) – mầm non vươn mình trong ngành vật liệu gạch
Ở 1 trường hợp khác là Công ty Cổ phần CMC khi trong giai đoạn 2012 - 2016, doanh thu của công ty tăng trưởng trung bình gần 40%/năm và lợi nhuận ròng tăng trung bình gần 90%/năm.
Cụ thể, trong năm tài chính 2013 doanh thu thuần của CVT đạt hơn 591 tỷ đồng, tăng hơn 100% so với năm 2012; trong khi đó lợi nhuận sau thuế đạt hơn 18,8 tỷ đồng tăng 60%. Sự tăng trưởng đột biến này có thể là do vào tháng 8/2012 công ty này đưa vào hoạt động nhà máy CMC2 - giai đoạn 1 (công suất thiết kế 5 triệu m2/năm, sản phẩm ceramic).
Diễn biến giá cổ phiếu CVT tăng mạnh trước khi đạt đỉnh vào tháng 1/2018
Chưa dừng ở đó, vào tháng 8/2015, công ty mới đưa nhà máy CMC2 - giai đoạn 2 vào hoạt động (công suất thiết kế 5 triệu m2/năm, sản phẩm granite với biên lợi nhuận cao hơn). Do đó, không khó hiểu khi doanh thu và lợi nhuận trước thuế CVT trong năm 2016 tăng đột biến. Theo đó, doanh thu thuần đạt 1.118 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 152 tỷ đồng, gần gấp 8 lần so với 2 năm trước đó. Mức tăng trưởng “nhảy vọt” này có được từ việc đầu tư nhà máy mới khiến TSCĐ của CVT tăng gần gấp đôi từ 267 tỷ đồng năm 2014 lên 506 tỷ đồng năm 2015.
EPS và sự “pha loãng” cổ phiếu CVT giai đoạn 2012-2017
Từ biểu đồ trên, điều tương tự ở với HPG có thể thấy rõ ở CVT khi công ty có mức tăng trưởng mạnh về lợi nhuận nhờ đầu tư nhà máy mới, TSCĐ tăng mạnh trong suốt giai đoạn 2012-2017 giúp EPS tăng khoảng 3-3,5 lần dù cho công ty luôn chi trả cổ tức tiền mặt ở mức cao từ 15%-25%. Tăng trưởng EPS chỉ bị điều chỉnh giảm khoảng 30% khi CVT tiến hành phát hành thêm tỷ lệ 1:1 trong năm 2014 để có thêm nguồn lực cho việc đưa nhà máy CMC2-giai đoạn 2 đi vào hoạt động và cổ đông của CVT cũng không phải chờ lâu khi mức EPS tăng trưởng gấp đôi ngay sau đó. Kết quả là giá cổ phiếu đã tăng ít nhất 5 lần trong 2 năm/
Như vậy có thể thấy, trong chu kỳ mới bắt đầu từ đống đổ nát sau khủng hoảng, vẫn còn đó những doanh nghiệp sản xuất với nền tảng tốt, tiềm lực được tích lũy đều đặn và khả năng duy trì hoạt động, đẩy mạnh đầu tư mới đem lại cho cổ đông của họ – những người tìm ra “viên kim cương trên đồi cát trắng” những thành quả xứng đáng với mức lợi nhuận hàng trăm phần trăm chỉ sau 2-3 năm. Không chỉ những ông lớn trong ngành như HPG, còn đó những PTB, CVT, NSH, … cũng đáng để chúng ta chú ý và nhìn lại như những nhân tố chính tạo nên con đại sóng chu kỳ của VNIndex trong từng giai đoạn vừa qua. Vậy ở các doanh nghiệp này có điều gì chung giúp tạo nên thành công?
Điều quan trọng chúng ta cần thấy rõ chính là việc các doanh nghiệp này đều tiềm lực tài chính tốt, được tích lũy qua nhiều năm tăng trưởng, lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận luôn duy trì ở mức cao cùng khả năng chiếm lĩnh tốt thị trường trong nước cũng như đẩy mạnh tham gia xuất khẩu. Đây cũng là cơ sở giúp các doanh nghiệp có lượng vốn lớn để “gồng gánh” qua khó khăn trong khủng hoảng đồng thời là bàn đạp để họ đưa ra nước đi quyết định của cuộc chơi là ĐẦU TƯ XÂY DỰNG NHÀ MÁY MỚI (nhà máy CMC2 của CVT và Hòa Phát Dung Quất).
Thêm nữa, với nội lực mạnh mẽ này, các doanh nghiệp này chỉ cần chấp nhận “pha loãng” với tỷ lệ vừa phải ở giai đoạn xây dựng ban đầu, qua đó đảm bảo sự “cô đặc” nhất định của cổ phiếu và giúp EPS tăng trưởng liên tục kèm với chính sách cổ tức đều đặn hàng năm. Đây là những nền tảng quan trọng, yếu tố tiên quyết giúp các “chồi non” này vươn lên mạnh mẽ với mức sản lượng tăng gấp nhiều lần trong nhiều năm liên tục. Chính điều này cũng lý giải hiệu suất vượt trội của các cổ phiếu này so với VNIndex cũng như các doanh nghiệp niêm yết khác trong cùng giai đoạn.
Trở lại với hiện tại, bạn sẽ hành động ra sao nếu trong giai đoạn khó khăn này, ẩn sau hàng ngàn doanh nghiệp niêm yết nhưng vẫn có 1 “chồi non” ngành sản xuất có hơn 1/3 tổng tài sản là khoảng 500 tỷ đồng tiền mặt trong két, đang dẫn đầu ngành hoạt động với hệ thống phân phối hơn 500 cửa hàng phủ khắp cả nước.
Doanh nghiệp vẫn đều đăn tăng trưởng doanh thu gần 20% trong các năm gần đây, duy trì tỷ suất lợi nhuận gộp ở mức cao quanh 35% nhưng thị trường vẫn chỉ định giá cổ phiếu này ở quanh mức PB 0.7!!! Và điểm đặc biệt là, đúng vào thời điểm cổ phiếu break khỏi vùng tích lũy ròng rã nhiều năm, doanh nghiệp này cũng ĐÃ HOÀN THÀNH XÂY DỰNG NHÀ MÁY MỚI VÀ CHUẨN BỊ ĐƯA VÀO HOẠT ĐỘNG …
Và câu trả lời chính là Công ty cổ phần Everpia (HOSE: EVE), doanh nghiệp chuyên sản xuất Chăn, ga, gối, đệm (chiếm khoảng 65% doanh thu), Bông tấm (chiếm khoảng 25% doanh thu) và sản phẩm nội thất các loại, có thương hiệu dẫn đầu thị trường trong mảng kinh doanh này mà chúng ta vẫn thường biết tới với cái tên Everon.
Cùng đánh giá những điểm nổi bật của EVE vào thời điểm hiện tại:
Các yếu tố tài chính cơ bản: Xem xét trên báo cáo tài chính, có thể thấy EVE luôn duy trì mức lợi nhuận sau thuế dương và đảm bảo mức EPS ổn định qua các năm cùng chính sách cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 10-20% suốt từ năm 2011 và không kèm “pha loãng” (ngoại trừ năm 2016 chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng nội lực cho công ty và chỉ chia thưởng thêm từ nguồn cổ phiếu quỹ năm 2022). Như vậy, năm nay là năm thứ 8 liên tiếp EVE duy trì sự cô đặc về cơ cấu vốn góp chủ sở hữu.
Tỷ lệ nợ vay của EVE được duy trì ở mức lành mạnh với khoảng hơn 370 tỷ đồng dư nợ tín dụng, chỉ chiếm hơn 1/3 vốn chủ sở hữu. Trong đó, 220 tỷ đồng vay ngắn hạn và 150 tỷ đồng vay trung dài hạn (phục vụ xây dựng nhà máy mới). Lượng dư nợ này thậm chí còn thấp hơn tổng lượng tiền mà doanh nghiệp đang duy trì ở mức gần 500 tỷ đồng, thêm nữa là gần 400 tỷ đồng hàng tồn kho chủ yếu là thành phẩm được quay vòng liên tục và duy trì ở mức ổn định qua các năm.
Nền tảng tài chính lành mạnh giúp các khoản vay của EVE được hưởng mức lãi suất rất thấp trong bối cảnh nền lãi suất toàn thị trường hiện vẫn ở mức cao
Về kết quả kinh doanh, với việc cơ cấu bán lẻ B2C chiếm tỷ trọng cao với hơn 500 cửa hàng phân phối, các đối tác B2B là các khách sạn 5 sao và các tập đoàn quốc tế lớn, đại dịch Covid 19 có ảnh hưởng khá lớn tới kết quả kinh doanh của EVE những năm qua. Tuy nhiên, công ty cũng đã nhanh chóng hồi phục với mức Doanh thu năm 2022 đạt 1.022 tỷ đồng, tăng 18% yoy và là mức cao thứ 2 trong lịch sử hoạt động (chỉ sau cao điểm năm 2018), cùng với đó lợi nhuận sau thuế phục hồi ấn tượng 53% lên mức 91,6 tỷ đồng, hơn gấp đôi kết quả năm 2020 và giúp EPS đạt gần 2.200 đồng, cao nhất kể từ lần chia tách gần nhất năm 2016.
Chăn, ga, đệm và Bông tấm vẫn là 2 nhóm sản phẩm “chủ lực” của EVE
Như vậy, có thể nhận thấy EVE sở hữu cơ cấu vốn hết sức “cô đặc”, nền tảng tài chính lành mạnh, nội lực tăng trưởng mạnh mẽ và ngày càng được củng cố với kết quả kinh doanh tăng trưởng ổn định qua các năm.
Điều chờ đợi các nhà đầu tư hiện tại chính là 1 pha Break mạnh mẽ về năng lực sản xuất như cái cách mà CVT hay HPG đã làm trong giai đoạn trước đây. Và ban lãnh đạo của EVE cũng không để chúng ta chờ đợi lâu khi dự án Nhà máy Everpia tại KCN Giang Điền với quy mô 25 triệu sản phẩm/năm chuẩn bị được khai trương trong tháng 7/2023 tới đây.
Khoản mục “Xây dựng cơ bản dở dang” quý I/2023 của EVE
Dự án có tổng mức đầu tư 10 triệu USD (khoảng 235 tỷ đồng) và hiện đã được EVE giải ngân gần 150 tỷ đồng theo BCTC quý I/2023 vừa công bố.
Dự án nhà máy mới chuẩn bị đưa vào khai thác trong tháng này và được kỳ vọng sẽ “Xây dựng Everpia phát triển thành một doanh nghiệp không thể thiếu trong xã hội” theo lời ông Lee Jae Eun – CEO của EVE.
Các chính sách vĩ mô hỗ trợ:
Cùng với xu hướng giảm mặt bằng lãi suất của NHNN, EVE được kỳ vọng tiếp tục hưởng lợi trực tiếp từ chính sách giảm thuế GTGT 2% vừa được Chính phủ ban hành và có hiệu lực trong thời gian từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023. Qua đó, kết quả kinh doanh của EVE được mong chờ sẽ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ và bứt phá trong năm 2023, tạo đà cho những kế hoạch trong trung dài hạn của doanh nghiệp.
Trên thực tế trước đó, quy định giảm 2% thuế GTGT đã được áp dụng kể từ ngày 1/2/2022 đến 31/12/2022 và phần nào đóng góp đáng kể vào mức tăng doanh thu 155 tỷ đồng (tương ứng gần 18%) và gần 90 tỷ lợi nhuận gộp (tương ứng hơn 30%) trong kết quả kinh doanh của EVE năm 2022.
Đồ thị kỹ thuật:
Với trường hợp của CTV (giai đoạn 2012-2013; 2015-nửa đầu 2016) hay HPG (giai đoạn 2015- nửa đầu 2016; 2019-nửa đầu 2020) hay nhiều doanh nghiệp khác trong giai đoạn ban đầu đầu tư tăng thêm TSCĐ (các nhà máy sản xuất), giá cổ phiếu đều được giao dịch với khối lượng thấp, trong một nền giá tích lũy đi ngang, biên độ hẹp.
Theo BCTC 2016, giá trị TSCĐ của CVT tăng gấp đôi sau khi nhà máy mới được đưa vào hoạt động
Giai đoạn TSCĐ gia tăng mạnh ở HPG khi nhà máy mới được đưa vào hoạt động năm 2016 và 2019
Xu hướng tích lũy này được kết thúc sau khi giá cổ phiếu sau được Break mạnh mẽ khỏi nền giá và bước vào pha tăng giá trong dài hạn với khối lượng giao dịch tăng dần. Đi kèm với đó là một loạt những thông tin về sự “nhảy vọt” trong kết quả kinh doanh như tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, EPS, … cùng những kỳ vọng về thành công khi nhà máy mới đi vào hoạt động dần được thấy rõ ràng và thỏa mãn số đông nhà đầu tư trên thị trường.
Nền giá tích lũy tương ứng của HPG và CVT trước khi Break
Nền giá tích lũy của EVE trong nhiều năm gần đây
Điều tương tự có vẻ cũng đang xảy ra với EVE khi cổ phiếu này đang tự “xây” cho mình 1 nền tích lũy đi ngang chủ yếu quanh mức 11.000 đồng với biên độ dao động khoảng 20%-30%, và khối lượng giao dịch phần lớn chỉ vài chục nghìn cổ phiếu/phiên trong khoảng 5-6 năm vừa qua.
Tuy nhiên, đi kèm với những Break về nội tại doanh nghiệp cũng như các yếu tố vĩ mô kể trên, hiện đã có dấu hiệu giá cổ phiếu Break khỏi nền tích lũy khi khối lượng giao dịch những phiên gần đây lên tới vài trăm nghìn cổ phiếu được trao tay kèm theo là mức giá tăng mạnh 30%-50% khỏi vùng nền tích lũy. Điều này cho thấy “dòng tiền thông minh” có vẻ đã nhận ra cơ hội đang ngày một rõ ràng ở EVE!!!
Như vậy, EVE đã gần như hội tụ đủ các yếu tố để trở thành 1 siêu phẩm trong giai đoạn tới của thị trường. Sẽ không còn mức vốn hóa 3 con số (700 tỷ đồng) và định giá dưới giá trị sổ sách (PB 0,7) dành cho EVE!!!
Một vài tin bên lề:
• Dự kiến, nhà máy mới sẽ tập trung vào hoạt động sản xuất bông tấm, khăn và đệm lò xo • Công ty đầu tư 36 tỷ đồng cho hoạt động kinh doanh gồm dự án tái định vị thương hiệu Everon, kế hoạch marketing đệm lò xo nghiên cứu và ra mắt sản phẩm mới và phần mềm chăm sóc khách hàng. Cùng đó, Everpia chi đầu tư 30 tỷ đồng nâng cao năng lực sản xuất vận chuyển và 44 tỷ đồng để hoàn thiện nhà máy mới Giang Điền.
• Everpia đầu tư 40 tỷ đồng vào quỹ của Mirae Asset Fund, nhắm đến các dự án/ công ty để mở rộng hệ sinh thái khi website Everon trở thành một trang thương mại điện tử. Các công ty mục tiêu có thể là các đơn vị vận chuyển, lưu trữ kho bãi…
• EVE đẩy mạnh mô hình bán lẻ omnichannel – vừa trực tiếp vừa trực tuyến
• Tại nhà máy của công ty ở Đồng Nai còn một khu đất chưa khai thác, được công ty tiến hành cho thuê
• Mới đây EVE đã chính thức chiêu mộ thành công được một nhà thiết kế nổi tiếng người Tây Ban Nha, đã từng làm việc cho tập đoàn thời trang lớn nhất thế giới Zara để nâng tầm chất lượng sản phẩm.
• Sau việc hợp tác với VMLY&R hồi tháng 8/2022 để xây dựng chiến lược tái định vị thương hiệu, hoạt động này được kỳ vọng diễn ra mạnh mẽ vào năm 2023 thông qua việc mở các cửa hàng cung cấp các sản phẩm đồ dùng gia đình. Công ty dự kiến khai trương 2 cửa hàng flagship đầu tiên vào ngày 11/11/2023.
• Tại Đại hội, cổ đông đã nhất trí bầu ông Lee Bang Hyun vào HĐQT của công ty. Nhân sự sinh năm 1990 này đã có thời gian công tác tại xưởng sản xuất, sau đó đảm nhận vị trí tại phòng kế hoạch, marketing và hiện là nhân sự dẫn dắt bộ phận thực hiện dự án tái định vị thương hiệu mà công ty đang tiến hành. Trẻ hóa nhân sự giúp tăng khả năng tiếp cận thị trường khách hàng GenZ theo định hướng kế hoạch của EVE
• Ngày 11/11/2023 là ngày sinh nhật 30 tuổi của Everpia
Nhóm nghiên cứu Công ty Đầu tư tài chính LCTV