Thứ Năm, 18 tháng 12, 2014

Đừng bao giờ bỏ cuộc

Sau gần 12 năm chinh chiến trên thị trường chứng khoán, tôi nhận ra rằng bản chất của thị trường không thay đổi, vẫn những suy nghĩ đó, thói quen đó, và những diễn biến đó, chỉ có những con người là khác nhau. 

Năm 2003, tôi bước chân vào TT của cuối chu kỳ suy thoái 1999  - 2003, khi đó không được chứng kiến cảnh nhà đầu tư xếp hàng ở các cty chứng khoán BVS, BIDV, VCB để đặt tờ phiếu lệnh, chỉ thấy các anh kể là thời điểm nóng 2001, phải vo viên tờ phiếu ném vào giọ, xếp hàng mua được là thắng ngay 30-40%, trên sàn chỉ có vài ba mã cổ phiếu như SAM, REE, TRI....

Tôi chỉ nhớ rằng, thời điểm đó tôi quan tâm tới phiên đấu giá cổ phiếu Vinamilk, IPO tháng 10/2003, thấm thoát đã gần 12 năm trôi qua, và cũng kể từ đó, sau cơn suy thoái nặng nề 1999-2003, thì thị trường chứng khoán bắt đầu hồi sinh trở lại.

Nhưng phải đợi tới năm 2004, tháng 4, thị trường mới thực sự sôi động nhờ các cổ phiếu ngân hàng, và bùng nổ từ 2005-2007, sang 2008, khi sóng Sông Đà và hàng loạt cổ phiếu Bong bóng khác vỡ tung, tạo động lực cho 1 cơn suy thoái kéo dài từ 2008-2009, 2010-2011 , và phục hồi từ 2012-2014, thị trường cũng không có nhiều đổi khác, chỉ có các lớp nhà đầu tư là đổi khác.

Có điều phải nói rằng, vũ khí chính của nhỏ lẻ, những nhà đầu tư mù thông tin, là cắt lỗ sửa sai, và phải luôn biết rằng điều không thể trên thị trường chứng khoán là mọi chuyện đều có thể xảy ra. Có những cổ phiếu như VSP lên 220k, SD7 lên 650k, và sẽ không bao giờ quay trở lại giá đó nữa, có những đợt suy thoái kéo vnindex đi hàng trăm điểm mà không có phục hồi, nhưng cũng có đợt tăng liên tục giá cổ phiếu tăng 1000%. Vì vậy, đừng bao giờ bảo thủ, lúc chiến thắng và tài khoản x2, x4 lần, chính là lúc tự mãn và sự thua lỗ đã cận kề. 

Tôi đã chứng kiến nhiều người tài sản vài trăm tỷ cũng đã bay sạch trong có vài tuần,  việc tốt nhất là quan sát và tìm ra điểm cân bằng của thị trường để đánh giá phản ứng của các quỹ đầu tư, cá nhân khác. Thị trường nó có lý lẽ riêng, đức tính tốt nhất trên thị trường là lắng nghe và quan sát, 

hãy nhìn trong quá khứ:

1. Thời điểm 2003, giao dịch ảm đạm, nhưng đấu giá IPO thành công VNM là tín hiệu khởi sắc đầu tiên của 1 đợt đảo chiều lớn, 

2. Thời điểm 2004, khối lượng giao dịch lớn dần lên, cổ phiếu ngân hàng bắt đầu được mua nhiều, báo hiệu 1 sự củng cố xu thế chắc chắn.

3. Thời điểm 2005, những con sóng đầu tiên trên sàn niêm yết như KDC, REE, SAM, kéo theo hàng nghìn nhà đầu tư mở tài khoản, 1 con sóng mãnh liệt kéo dài tới cơn điên 2006, với FPT SJS .... và nhiều cp khác.

4. Thời điểm 2007, Vnindex đạt 1170 điểm, khối lượng giao dịch kỷ lục, mọi điều đều tốt cả: tăng trưởng kinh tế 9% cao thứ 3 thế giới, vào WTO, các quỹ đầu tư raise fund, các cty ck mở ra ồ ạt tới con số 100, nhà đầu tư xếp hàng dài ở Tràng Tiền để đấu giá các cp dầu khí với giá không tưởng.... đó là báo hiệu cho sự kết thúc.

VCB, PVF là những đợt IPO cuối cùng và những con sói rời khỏi hang... suy thoái bắt đầu.

5. Thời điểm 2008 khủng hoảng, 2009 phục hồi từ 235 điểm nhưng đến năm 2012 mới thực sự kết thúc.

6. Sự khởi đầu mới lại bắt đầu tư 2012 đến 2014, cổ phiếu tăng giá vài trăm %, thì từ tháng 10/2104 sự điều chỉnh đi xuống là chuyện bình thường,

Lên rồi xuống, xuống chán lại lên, là sự vận động liên tục của thị trường, hãy nắm bắt các tín hiệu tạo đáy mà thị trường đưa ra để có phản ứng tốt nhất. Một lưu ý nhỏ cho các bạn từ kinh nghiệm của mình, hãy lấy vĩ mô làm kim chỉ nam mới đi được đường dài và xa, còn kỹ thuật, chỉ như chiếc kính chiếu hậu nhìn ra đằng sau, không thể lái đc xe đi xa mà chỉ nhìn những chiếc kính đằng sau.

------------ Và muốn đi được xa, hãy nhìn về phía trước, lái xe thật an toàn.......đừng bao giờ bỏ cuộc......

Trên thị trường tài chính, tôi chỉ phục có vài người, 1 ông anh đã mất hàng trăm tỷ từ khủng hoảng 2008, và 2009 đã lấy lại hoàn toàn, vẫn kiếm tốt cho đến hôm nay

1 ông anh năm 2010 công ty chỉ còn 3 tỷ, đến giờ công ty đã niêm yết trên sàn và có vốn hoá 500 tỷ. 

đó mới là những người chiến thắng....

0 nhận xét:

Đăng nhận xét