Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

Cập nhật PPC & HPG

Sự khác biệt chính giữa dự báo của chúng tôi và kết quả thực tế của PPC nằm ở sản lượng trong quý 2 của PPC. Trong quý 2, PPC sản xuất 1,82 triệu kWh (tăng 28,3% so với cùng kỳ) và cao hơn 6% so với dự báo của chúng tôi là 1,7 triệu kWh do công ty hoạt động tối đa công suất nhằm đáp ứng nhu cầu của EVN do sản lượng thủy điện của EVN từ đầu năm tới nay giảm do ít mưa. Theo đó sản lượng điện 6 tháng đầu năm đạt 3,83 triệu kWh, cao hơn 3,5% so với dự báo của chúng tôi là 3,7 triệu kWh.

Trong 6 tháng cuối năm 2012, chúng tôi cho rằng sản lượng của PPC sẽ đạt 2,93 triệu kWh, thấp hơn 23,5% so với nửa đầu năm 2013 vì 2 lí do (1) nhu cầu của EVN giảm đối với các nguồn sản xuất điện có chi phí cao trong mùa mưa và (2) hai trong số 5 tua bin sẽ dừng hoạt động khoảng 30-40 ngày để bảo dưỡng định kỳ.

Do đó chúng tôi vẫn giữ nguyên dự báo cả năm 2013 cho PPC với doanh thu đạt 6 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 46,8%), trên giả định sản lượng điện đạt 6,76 triệu kWh (tăng 25,5%). Chúng tôi cũng dự báo lãi tiền gửi đạt 437 tỷ đồng với số tiền là 6,7 nghìn tỷ đồng. Và dự báo thêm rằng đồng Yên sẽ tiếp tục mất giá thêm 0,2% (tương đương mất giá 14,4% so với tiền đồng trong cả năm) do xu hướng phá giá đồng Yên hiện nay hầu như đã dừng lại. Và thậm chí đồng Yên còn lên giá một chút so với tiền đồng khi tiền đồng yếu đi gần đây. Do đó chúng tôi ước tính rằng PPC sẽ có thể ghi nhận lãi tỷ giá là 945 tỷ đồng trong cả năm 2013 vào khoản mục thu nhập tài chính.

Tính chung, chúng tôi dự báo rằng lợi nhuận thuần năm 2013 của PPC sẽ đạt 1,62 nghìn tỷ (tăng trưởng 216%), tạo ra EPS năm 2013 là 4.900đ. Với mức giá ngày hôm nay PPC đang được giao dịch ở mức P/E dự phóng năm 2013 là 5,1 lần. Cổ phiếu đã tăng 110% so với đầu năm và đã phản ánh hết hai nhân tố quan trọng là nhu cầu từ EVN tăng và đồng Yên mất giá. Chúng tôi tiếp tục duy trì đánh giá Kém khả quan đối với cổ phiếu PPC.

HPG (Khả quan) đã công bố KQKD tóm tắt 6 tháng đầu năm với không nhiều thông tin được công bố trong đó doanh thu giảm trong khi lợi nhuận tăng nhờ chi phí đầu vào và lãi suất giảm

Tập đoàn Hòa Phát (HPG - Khả quan) hôm qua vừa công bố KQKD tóm tắt 6 tháng đầu năm, theo đó doanh thu giảm nhẹ 2,6% so với cùng kỳ xuống 8.410 tỷ đồng (hoàn thành 45% kế hoạch). Chúng tôi ước tính rằng mảng thép chiếm 69% tổng doanh thu. Và lợi nhuận thuần tăng 91,8% so với cùng kỳ lên 1.012 tỷ đồng (hoàn thành 84% kế hoạch). Tỷ suất lợi nhuận thuần được cải thiện đáng kể lên 12% so với 6,1% trong nửa đầu năm 2012 và chúng tôi cho là vì hai nguyên nhân (1) tỷ suất lợi nhuận gộp được cải thiện do chi phí đầu vào giảm (2) chi phí tài chính giảm do lãi suất giảm.

Trong nửa đầu năm 2013, HPG đã tiệu thụ được 322.600 tấn thép xây dựng (tăng 4,8% so với cùng kỳ), tăng thị phần của HPG lên 14,2% so với 13,8% trong nửa đầu năm 2012. Trong khi đó chúng tôi thấy rằng giá bán bình quân vào khoảng 13,8 triệu đồng/tấn (giảm 10% so với cùng kỳ) nhưng giá thành bình quân mỗi tấn có thể đã giảm tới 18% xuống còn 11,3 triệu đồng/tấn. Chúng tôi lưu ý rằng trong 6 tháng đầu năm, giá quặng sắt đã giảm 24% so với đầu năm trong khi giá than đá giảm 13%. Chúng tôi cũng ước tính thêm rằng chi phí lãi vay nửa đầu năm vào khoảng 200 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ năm trước do lãi suất giảm và đã giúp tăng tỷ suất lợi nhuận thuần.

Trong năm 2013, theo dự báo hiện nay của HSC, HPG sẽ đạt doanh thu là 17.994 tỷ đồng (tăng trưởng 6,9%) và lợi nhuận thuần 1.305 tỷ đồng, tăng trưởng 31,3%, theo đó tỷ suất lợi nhuận thuần là 7,3% so với 5,9% trong năm 2012. Với KQKD 6 tháng đầu năm khả quan, chúng tôi sẽ xem lại dự báo của mình khi HPG công bố BCTC đầy đủ theo hướng điều chỉnh tăng dự báo của mình về doanh thu cả năm của công ty. Và chúng tôi sẽ có nhận định chi tiết hơn khi đó.

Trước mắt chúng tôi dự báo năm EPS 2013 sẽ tăng 30,6% và đạt 3.115 đồng. Cổ phiếu hiện đang giao dịch ở mức P/E dự phóng là 9,9 lần và P/B dự phóng là 1,7 lần. HPG (Khả quan) vẫn là lựa chọn hàng đầu của chúng tôi trong ngành thép.

( trích báo cáo HSC ngày 24/7 )

--------------------------

Tăng 0,27%, CPI tháng 7 định hình xu hướng tăng tốc

Sau 4 tháng trồi sụt, xu hướng tăng CPI có vẻ đã trở lại khi chính phủ công bố tăng tỷ giá, giá xăng và có lẽ sắp tới là giá điện. Tôi nhận thấy mặc dù lãi suất đầu tháng đã được một số ngân hàng như BIDV, VCB công bố giảm với kỳ ngắn hạn, nhưng có lẽ  thị trường chưa hấp thụ nhiều, trong khi giá vàng đang duy trì đà tăng.

Đa phần các công ty niêm yết đã công bố BCTC quý 2, ngoại trừ nhóm ngành Cao su, HPG và dòng dầu khí, dược, thì các công ty có quy mô nhỏ, không có lợi thế kinh doanh và BĐS không có sự đột biến, với mùa báo cáo ảm đạm. Phiên giao dịch hôm nay, thị trường sụt giảm mạnh có lúc tới trên 9 điểm, mức độ tăng giá trên HSX và HNX rất hẹp, chỉ với hơn 10% cp tăng giá, trong khi giảm giá chiếm tới trên 50%, mức độ sụt giảm cũng mạnh hơn 2 phiên trước đó.

Hiện tại, nhóm ngành Cao su ( CSM DRC ) đã sụt giảm khoảng 10% so với giá bán, và tôi chuyển sang trạng thái canh mua tại vùng giá tốt. Hôm nay thị trường có sự đồn đoán về nới room cho một số nhóm ngành theo hướng tăng 10% room cho nhà ĐTNN bằng việc phát hành thêm 10% cp không có quyền biểu quyết, và 10% cho các ngành nghề không quan trọng như công ty chứng khoán ( HCM SSI ), điều này có thể kích thích tâm lý bắt đáy của nhà đầu tư, tuy vậy, thông tin này cũng không giúp được thị trường bao nhiêu khi báo cáo quý 2 đang diễn ra ảm đạm.





0 nhận xét:

Đăng nhận xét