Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

GDP cải thiện, hy vọng khởi sắc 2014

Tại Báo cáo tình hình kinh tế Việt Nam 10 tháng đầu năm 2013, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTCQG) dự báo, GDP quý IV dự báo sẽ tăng ở mức 6%.
Do vậy tăng trưởng cả năm được dự báo có phần khả quan hơn so với mức dự báo ban đầu của cơ quan này là 5,3%.
Kinh tế tiếp tục chuyển biến tích cực
Theo UBGSTCQG, dự báo GDP quý IV sẽ tăng ở mức 6% là do tổng cầu nền kinh tế sẽ chuyển biến tích cực hơn khi tính đến tính chất mùa vụ và tác động của độ trễ chính sách (khoảng 9 tháng) trong những tháng cuối năm.
Bên cạnh đó, một số chỉ số kinh tế vĩ mô chính có chuyển dấu hiệu khả quan hơn trong tháng 10. Cụ thể, sản xuất công nghiệp phục hồi rõ nét hơn, thể hiện qua chỉ số PMI tháng 9 tăng cao nhất kể từ khi tiến hành khảo sát (đạt 51,5) nhờ sự gia tăng các đơn hàng mới đặc biệt đơn hàng xuất khẩu.
Chỉ số phát triển công nghiệp (IIP) cũng phục hồi dần qua các quý: quý I tăng 4,5%, quý II tăng 5,2%, quý III ước tăng 6%. Tính chung 10 tháng đầu năm, IIP tăng 5,4% trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có mức phục hồi khá hơn mặt bằng chung ở mức 6,8%.
Bên cạnh đó, nguồn vốn FDI khả quan và cơ cấu vốn tích cực. “Điều này đã giúp Việt Nam cải thiện năng lực sản xuất dài hạn và phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ”, Ủy ban đánh giá.
Đặc biệt, trong 10 tháng đầu năm, xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng khá (tăng 15,2%), nhập siêu ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây (thâm hụt 187 triệu USD). Đáng chú ý, tăng trưởng nhập khẩu nhóm hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất và máy móc phục vụ sản xuất cũng tăng khá cho thấy triển vọng phục hồi sản xuất trong nước sáng sủa hơn.
UBGSTCQG: GDP quý IV dự báo tăng 6% (1)
Vốn FDI chảy mạnh vào lĩnh vực chế biến, chế tạo
Tuy nhiên, theo Ủy ban, khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,5% cũng như việc duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn trong trung hạn đang gặp nhiều thách thức, do hiệu quả tăng trưởng thấp, mô hình tăng trưởng không còn phù hợp.
“Do đó, cần phải đẩy mạnh tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế trong vòng 2-3 năm tới nhằm nâng cao năng suất của nền kinh tế, cải thiện tốc độ tăng trưởng dài hạn”, Ủy ban khuyến nghị.
Lạm phát xoay quanh 7%
Theo Ủy ban, trong quý 4/2013, phân tích yếu tố chu kỳ cho thấy đây là quý có mức tăng cao nhất trong năm, tuy nhiên sức cầu còn yếu nên sẽ hạn chế đáng kể đà tăng giá trong các tháng tới.
Các yếu tố chính gây tăng giá trong quý này bao gồm: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng, nhu cầu mua sắm theo thời vụ các tháng cận Tết, khả năng điều chỉnh giá xăng dầu, gas. Dự báo lạm phát bình quân tháng sẽ dao động trong khoảng 0,6-0,8% nếu không có điều chỉnh đột biến về giá các mặt hàng nhà nước quản lý.
Tính đến tháng 10, CPI tăng 5,14% so với đầu năm, do đó dư địa còn lại cho lạm phát quý 4 là 1,9% tương ứng với mức bình quân tháng khoảng 0,63%.
“Lạm phát cả năm 2013 dự báo vẫn được kiểm soát xung quanh mức 7% nếu như có sự quản lý và điều tiết tốt việc điều chỉnh giá các mặt hàng và dịch vụ do nhà nước quản lý” Ủy ban nhận định và nhấn mạnh: “Đây sẽ là thành quả nổi bật của kinh tế Việt Nam trong việc duy trì lạm phát ổn định liên tiếp 2 năm giúp ổn định kỳ vọng lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô”.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét